Nghị định 83/2014/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1/11/2014 khắc phục những bất cập trong kinh doanh xăng dầu và minh bạch về giá… Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý băn khoăn khi Nghị định 83 trao quyền cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu…
Cửa hàng xăng dầu của Công ty cổ phần Xăng dầu Thụy Dương
CôngThương -Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề trên, cùng với ý kiến bày tỏ của doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Trịnh Văn Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xăng dầu Thụy Dương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP, tuy nhiên, còn nhiều ý kiến phản ánh nghị định này vẫn dành nhiều ưu ái cho DN kinh doanh xăng dầu. Tuy không phải là DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tôi cho rằng, dư luận nhiều khi không công bằng với ngành xăng dầu, nhiều năm ngành xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì giá thế giới liên tục tăng. Trong khi, Việt Nam luôn muốn giữ ổn định giá bán lẻ nên suốt từ năm 2003 đến nay hầu như ngành xăng dầu không có lợi nhuận, mà chỉ đủ chi phí tối thiểu như lương, văn phòng, điện, nước…
Nếu nói xăng dầu lãi nhiều thì phải nhìn nhận từ những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi đó ngành xăng dầu còn khá “hot”.
Nhưng trải qua gần 3 thập kỷ tới nay rất khó khăn, và hiện cũng chưa có gì thay đổi, vì thực sự không có lợi nhuận nên không mấy nhà đầu tư mặn mà đầu tư xây dựng thêm cây xăng mới như trước đây.
Ông Trịnh Văn Phượng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xăng dầu Thụy Dương
Thưa ông, tại sao nói kinh doanh xăng dầu không có lợi nhuận, nhưng có những DN kinh doanh xăng dầu vẫn công bố lãi ngàn tỷ đồng?
Đơn cử như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), là một DN lớn chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu trên cả nước nhưng phải chia sẻ cho các công ty con bao phủ tới 63 tỉnh, thành phố, nên nếu có lãi tới 1.000 tỷ đồng/năm vẫn không thấm vào đâu. Vì con số lãi đó đã bao gồm tất các công ty con trực thuộc, nên khi chia lẻ cho 63 công ty thì lãi suất đem lại quá nhỏ so với một công ty tư nhân sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác chỉ với quy mô bình thường, mỗi năm cũng có thể đem lại lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng cho họ.
Mặt khác, chúng ta chưa nhìn thấy cái “tiêu cực” của kinh doanh xăng dầu, vì mỗi khi trượt giá có thể mỗi ngày lỗ tới vài trăm tỷ đồng. Ví như Petrolimex có những lúc công bố lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng vì phải bù lỗ do trượt giá, nguyên nhân do giá thế giới tăng nhưng chúng ta phải thực hiện bình ổn thị trường, phải giữ giá, phải một số ngày sau mới được tăng nên dẫn tới thua lỗ.
Nên phải khẳng định rằng, kinh doanh xăng dầu lãi rất ít và chủ yếu nhờ vào giao thời do giá thế giới xuống đột xuất, lúc này giá bán trong nước lại chưa thể giảm song song với giá thế giới, do phải thực hiện theo chính sách trong nước quy định. Do đó, DN kinh doanh xăng dầu phải chờ 15 ngày sau mới giảm giá bán - điều này đã làm nên lợi nhuận, nhưng may mắn này lại khoảng 3 năm mới có được một lần nên vẫn không thể bù đắp những khi thua lỗ lớn thường xuyên xảy ra.
Theo ông, khi Nghị định 83 thực thi, những bức xúc của người dân về thị trường xăng dầu có được giải quyết?
Tôi cho rằng, Nghị định 83 đi vào thực thi rất hay ở chỗ, như vừa qua giá xăng dầu thế giới lên hay xuống 200 hay 300 đồng/lít thì giá trong nước cũng được điều chỉnh, thậm chí có những lúc còn điều chỉnh có hơn 100 đồng/lít - chính điều này sẽ “tiến gần” đến thị trường. Bởi vì, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng điều chỉnh, cả với biên độ quá nhỏ. Nếu tính từ Singapore về Việt Nam trong khoảng 7 ngày tính cả thời gian vận chuyển, nhập kho…, khi đó giá bán trong nước được điều chỉnh ngang giá thế giới và sẽ loại bỏ được những doanh nghiệp chỉ ôm hàng hóa từ các tầu, các kho hàng. Đây là việc làm rất tích cực, nhằm tiến tới mang tính chất cơ chế thị trường, khi đó người dân không còn thắc mắc vì giá sát với giá thế giới vì do biên độ quá nhỏ.
Mặt khác, quan điểm trước đây khi giá xăng dầu thế giới tăng, phải chờ thuế xăng dầu trở về bằng 0 khi đó xăng dầu trong nước mới được phép tăng. Nhưng nếu chờ đến khi thuế về bằng 0 khi đó các DN kinh doanh xăng dầu chắc chắn lỗ.
Liên quan tới quỹ bình ổn (BOG) xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc Bộ Công Thương quản lý thì khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và nên chuyển cho Kho bạc Nhà nước quản lý quỹ này. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
Theo tôi, giá bình ổn chỉ xuất phát do biên độ lên giá của nhà nước, vì trước đây thời gian chờ bình ổn giá quá lâu. Ví dụ: giá dầu thế giới lên rất cao, nhưng trong nước chưa lên giá mà muốn giữ sự bình ổn, nên lúc có lợi nhuận muốn trích quỹ BOG để xử lý và giữ bình ổn cho giá thị trường, nên quỹ BOG rất cần thiết.
Tuy nhiên, từ quỹ này xã hội đã gây nhiều sự nghi ngờ, trong khi lợi ích thực sự mang lại cho người tiêu dùng nhưng nhiều người không hiểu nên đã tạo dư luận xấu cho quỹ bình ổn.
Vậy, nay đã có Nghị định 83 thay thế nghị định cũ thì giá xăng dầu thế giới cũng như giá bán trong nước đã điều chỉnh theo biên độ 200 hay 300 đồng/lít xăng, thậm chí 100 đồng nhỏ cũng điều chỉnh thì không cần thiết phải có quỹ BOG. Nên chăng, nếu có bình ổn tốt nhất xử lý theo cách, như: Quy định của Nhà nước thu thuế 10% Bộ Tài chính thu là bắt buộc, nhưng thay bằng quỹ bình ổn thì thu thêm 05%, vậy tổng là 10,05%. Số tiền thu thêm 05% chốt lại và giao Kho bạc Nhà nước để có một khoản và đến một mức nào đó bù đắp trong thời gian khoảng 10 đến 15 ngày, phòng khi giá thế giới tăng đột biến quá cao thì cần điều chỉnh khi đó mới cần sử dụng tới quỹ đó.
Nghị định 83 cho phép DN kinh doanh xăng dầu tăng giá dưới 3% mà không cần phải đề suất với cơ quan quản lý nhà nước, quy định này có dễ dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp "bắt tay" cùng tăng giá hoặc cùng giảm giá hay không?
Tôi khẳng định không ai bắt tay nhau, bởi đã là doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng có thể bằng mặt nhưng không bằng lòng, nên không thể có chuyện bắt tay nhau .
Tôi thấy một số báo chí chưa công bằng với ngành xăng dầu và mang tính suy diễn nhiều hơn.
Chúng ta hãy nhìn lại mặt bằng chung, trước đây nhiều người chen nhau vào làm việc trong ngành xăng dầu. Nhưng hiện nay, lao động trong ngành xăng dầu đã chuyển việc rất nhiều, nhất là những người bán xăng dầu, gần như thất nghiệp không còn việc gì làm mới chịu đi bán xăng dầu. Vì thu nhập của ngành xăng dầu ngày nay rất khiêm tốn, do lãi quá thấp.
Đơn cử, các đại lý lấy xăng dầu của đại lý chỉ được chiết khấu 650 đồng/lít, trong đó chưa kể tới chi phí vận chuyển. Trong khi, trả lương công nhân bán xăng dầu đã mất khoảng 90 đồng/lít, lượng công nhân phục vụ cho bán lẻ rất lớn, mỗi cây xăng phải có khoảng 14 đến 16 người để thay ca bán, cộng với đó còn các chi phí thuê địa điểm, điện, nước, văn phòng, lãi vay ngân hàng... Vì thế, nếu một cây xăng mỗi tháng không bán được từ 250m3 xăng dầu trở lên thì coi như cây xăng đó lỗ. Mà số cây xăng bán được trên mức đó rất ít, nên hầu như kinh doanh xăng dầu không có lãi.
Xin cảm ơn ông!