Theo phản ánh của nhiều người dân thị xã Sa Pa, khi có nhu cầu, họ phải đi hàng chục cây số để mua xăng, dầu.
Anh Chảo Láo Lở, xã Tả Van cho biết: Mỗi lần mua xăng, tôi phải mang theo can, đi gần 15 km mới đến cửa hàng xăng gần nhất. Do ở xa, đường khó đi nên tôi phải mua vài chục lít mỗi lần để dùng dần. Các điểm bán lẻ ở các xã thường có giá cao hơn và chất lượng xăng không đảm bảo.
Không chỉ anh Lở, đa phần người dân trên địa bàn thị xã và du khách phải di chuyển quãng đường xa từ vài cây số đến hàng chục cây số để mua xăng, dầu phục vụ đời sống và sản xuất. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, gây bất tiện cho người dân và du khách.
Đối với cửa hàng như Cửa hàng xăng dầu số 14 (thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lào Cai) trên đường Điện Biên Phủ lúc nào cửa hàng cũng trong tình trạng quá tải, đặc biệt là vào những thời điểm đông khách du lịch hoặc cuối tuần. Đường hẹp, khách đông, việc mua xăng, dầu của người dân và du khách gặp nhiều khó khăn, giao thông thường xuyên ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ông Dương Tuấn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lào Cai cho biết: Công ty đã xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp Cửa hàng xăng dầu số 14 và nhiều lần đề nghị UBND thị xã nhưng chưa được xem xét phê duyệt. Nếu được duyệt, chúng tôi sẽ phá đá phía sau, lùi cây xăng vào trong, nâng công suất phục vụ, đồng thời mở rộng lối ra - vào để giảm ùn tắc. Theo chúng tôi, riêng với khu vực nội thị, thị xã Sa Pa cần từ 3 đến 4 cửa hàng xăng dầu. Nếu được tạo điều kiện, công ty sẵn sàng đầu tư thêm cửa hàng xăng dầu.
Ông Nguyễn Thanh Xứng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sa Pa cũng thừa nhận tình trạng thiếu cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã diễn ra nhiều năm nay. Việc chỉ có 1 cửa hàng xăng dầu nội thị gây bất tiện cho người dân, du khách và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trước đây, Cửa hàng xăng dầu số 14 của Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lào Cai nằm trong quy hoạch chân núi Hàm Rồng nên huyện không xem xét phê duyệt phương án cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, quy hoạch này đến nay không thực hiện nữa, đơn vị đang trình phương án thay đổi quy hoạch để tạo điều kiện cho công ty cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cửa hàng.
Cũng theo ông Xứng, thị xã đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã khảo sát địa điểm, nghiên cứu phương án đầu tư nhưng do Sa Pa có khí hậu lạnh, xăng bị co ngót, chi phí mặt bằng cao, khó giải phóng mặt bằng khiến các doanh nghiệp chưa dám đầu tư. “Theo quy hoạch, chúng tôi đã có đất để kêu gọi đầu tư cửa hàng xăng dầu tại 2 vị trí đầu đường tránh đoạn thị xã Sa Pa đi Lai Châu. Hiện nay, có 1 doanh nghiệp đã làm xong thủ tục và chuẩn bị quý II/2020 sẽ khởi công cửa hàng tại Km32, quốc lộ 4D. Cửa hàng này sẽ góp phần giảm tải cho cây xăng nội thị trong thời gian tới”, ông Xứng nói.
Tình trạng thiếu cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị xã gây bất tiện cho người dân và du khách, kìm hãm sự phát triển chung của thị xã Sa Pa. Các cấp, các ngành của thị xã và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp tìm giải pháp để đầu tư, xây dựng thêm cửa hàng xăng dầu, phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân và du khách, góp phần thúc đẩy đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.