(TBTCVN) - Suốt tuần qua, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về sự chênh lệch thuế xăng dầu đối với các thị trường nhập khẩu khác nhau theo các hiệp định thương mại.
Các báo cho rằng con số 3.500 tỷ đồng là người dân đã phải chi thêm để mua xăng, dầu và Nhà nước cũng đã không thu được khoản tiền này, vì vậy cần có chế tài nào đó để thu lại. Tuy nhiên, ngày 22/3 trên trang Vnexpress đã có cái nhìn khá khách quan về vấn đề giá, thuế xăng dầu cho dù bài báo nêu vấn đề:“Mua 100.000 đồng tiền xăng đóng 54.700 đồng tiền phí”.Bài báo đã khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức thấp trên thế giới (27/180), thấp hơn cả các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bài báo cũng dẫn lại đánh giá của Globalpetrolprices về sự khác biệt trong cơ cấu giá xăng dầu giữa các quốc gia trên thế giới là do thuế, các khoản trợ giá và nguồn cung.
Với cùng một nguồn cung như nhau, nhưng mỗi nước có thể áp một mức thuế khác nhau dẫn đến cơ cấu giá xăng, dầu của mỗi nước khác nhau. Và việc áp một mức thuế nào đó với một mặt hàng nào đó hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi nước khác nhau. Có một quy tắc chung là giá xăng tại các nước phát triển thường cao hơn các nước nghèo do bị áp một mức thuế rất cao, cụ thể như Pháp, giá xăng cao gần gấp đôi so với giá xăng của Việt Nam. Nói như vậy để thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi hơn rất nhiều so với các nước về giá xăng, dầu.
Trở lại câu chuyện 3.500 tỷ đồng. Con số này thực ra mới chỉ là con số ước đoán, chưa có căn cứ chính xác. Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước đã thất thu số tiền trên và Nhà nước cần phải thu hồi vào Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cho thấy có tới hơn 87% thị phần xăng dầu nằm trong tay những doanh nghiệp nhà nước vì vậy nếu doanh nghiệp có “lãi lớn” từ chênh lệch thuế thì phần lớn số “lãi” đó đã trở về tay Nhà nước và Nhà nước hoàn toàn có quyền điều tiết, sử dụng số tiền đó vào các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 13% còn lại thuộc về doanh nghiệp ngoài nhà nước thì hầu hết lại không đăng ký nhập khẩu xăng, dầu từ những nước được ưu đãi thuế. Chỉ còn một số rất nhỏ doanh nghiệp được hưởng lợi thì đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên khoản “lãi” đó.
Nếu nhìn thật tường tận như vậy, có thể thấy Nhà nước đã không thất thu số tiền do chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các thị trường khác nhau theo các hiệp định thương mại. Tuy nhiên để tránh những tác động xấu có thể xảy ra, ngày 17/3 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Thông tư này đã giải quyết cơ bản sự chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các thị trường khác nhau. Câu chuyện về 3.500 tỷ đồng có lẽ cần phải có cái nhìn toàn diện như vậy.